Thông Báo

PHÒNG CHỐNG NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM CÓ CHỨA ĐỘC TỐ TỰ NHIÊN
(12/04/2023 09:09:13)
Thời gian gần đây, tại một số địa phương của nước ta, đã xảy ra các vụ ngộ độc do ăn phải động vật, thực vật có chứa độc tố tự nhiên như: nấm độc, côn trùng độc, quả rừng, cây rừng, so biển, cá nóc, con cóc, nhộng ve sầu…, đã có những trường hợp tử vong và hậu quả nặng nề cho những người bị ngộ độc dù được chữa khỏi. Để chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Vĩnh Long, khuyến cáo người tiêu dùng cần thực hiện tốt một số nội dung sau

Một là, không ăn các loại rau, củ, quả lạ, khi chưa biết rõ nguồn gốc. Khi chế biến, cần tuân thủ những nguyên tắc sau:

 Với các loại nấm, chỉ sử dụng khi biết chắc chắn nấm ăn được; tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại. Không được ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ.

Để tránh ngộ độc khoai tây, không nên mua hoặc chế biến thức ăn từ những củ khoai đã mọc mầm hay những củ có vỏ đã chuyển sang màu xanh.

Vỏ củ cải trắng có độc tố furocoumarins. Để tránh độc, khi ăn củ cải, cần gọt bỏ sạch vỏ, nấu chín, nướng, gia nhiệt trong lò vi sóng.

Phơi khô, bảo quản tốt, tránh để các loại hạt ẩm mốc; không ăn những loại hạt đã bị mốc, thâm đen.

 Xyanua là chất gây độc có trong măng, do vậy khi ăn măng tươi phải ngâm, rửa kỹ và luộc bỏ nước nhiều lần trước khi chế biến.

Trong khoai mì cũng có chất độc xyanua. Để loại bỏ chất độc, khi muốn ăn cần gọt, bóc vỏ kỹ, rữa ngâm nước sạch, luộc kỹ và mở nắp.

Hai là, tuyệt đối không ăn các động vật có chứa độc tố tự nhiên. Khi chế biến phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

 Không ăn trứng và gan cóc. Khi chế biến cóc, tuyệt đối không để lẫn da cóc và nội tạng lẫn vào thịt cóc hoặc để dính mủ cóc vào cơ cóc.

Không ăn cá nóc với bất cứ hình thức nào.

Không ăn, nuốt mật cá trắm dưới bất kỳ hình thức nào.

Không dùng So biển để làm nguyên liệu thực phẩm dưới bất kỳ hình thức nào.

Các loài côn trùng (bọ cạp, đuông dừa, dế, ấu trùng ve sầu, ve sầu vừa lột xác…) có thể dùng để làm thức ăn, tuy nhiên khi các loài côn trùng này sống trong môi trường đất bị rất nhiều nấm ký sinh, nên người ăn phải có thể bị ngộ độc nặng khi ăn phải. Vì những độc tố nấm không bị phá hủy bởi nhiệt độ, không bị mất đi khi sơ chế, vệ sinh, tẩy rửa, do đó dù đã chiên, xào kỹ, độc tố nấm từ các ấu trùng ve sầu vẫn có khả năng gây ngộ độc. Đặc biệt, nấm gyrommitrin sống ký sinh trên thân ve sầu rất độc. Do đó, để phòng chống ngộ độc thực phẩm phải thận trọng khi sử dụng nhộng của các loài côn trùng để làm thức ăn; tuyệt đối không ăn các ấu trùng lạ (không biết là loại gì), ấu trùng đã bị chết, ấu trùng có hình dạng, mầu sắc khác lạ với tự nhiên…

Ba là, ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên có thể gây tử vong nhanh, nếu không được cấp cứu kịp thời. Vì vậy, khi có các biểu hiện ngộ độc sau khi ăn uống thực phẩm nghi có chứa độc tố tự nhiên, cần nhanh chóng đưa người bị ngộ độc tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, xử trí kịp thời.

“Vì cuộc sống khỏe mạnh, hãy tìm hiểu, lựa chọn, sử dụng thực phẩm an toàn và hãy nói không với các thực phẩm lạ, thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên”